Tân Thành có nhiều di tích, danh thắng, chùa chiền thuận lợi cho công tác phát triển du lịch, trong đó điển hình là di tích Núi Dinh với nhiều hang động làm nơi căn cứ cách mạng trong các cuộc kháng chiến; thắng cảnh Suối Đá, Suối Tiên chứa vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mà kỳ thú. Ở đây có sự cuốn hút kỳ lạ làm say đắm lòng du khách mỗi khi đặt chân đến; chùa Đại Tòng Lâm dẫn du khách với khu rừng cây với phong cảnh hữu tình, các kiến trúc phong phú của đạo phật và hồ nước thả sen với bầu không khí thật trong lành.
Điều kiện để phát triển cảng nước sâu là sông Thị Vải, với chiều dài khoảng 32km, sổ sâu từ 10 – 20m, rộng trung bình 600 – 800m rất phù hợp cho việc xây dựng các cảng cho tàu lớn đến 50.000 – 60.000 tấn. Hoạt động sớm nhất là cảng Bà Rịa – Serece dài 300m, tàu 60.000 tấn đã cập bến và cảng nhà máy điện Phú Mỹ dài 175m cho tàu 10.000 tấn neo đậu để cấp dầu.
Có cảng nước sâu Thị Vải, có đường quốc lộ 51 và đường dẫn khí đốt chạy qua, trong tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt Biên Hòa – Phú Mỹ, Vũng Tàu.Tân Thành là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh. Theo quy hoạch, cả tỉnh có 9 khu công nghiệp tập trung, trên địa bàn huyện Tân Thành đã có 5 khu gồm: Mỹ Xuân A1 (300ha), Mỹ Xuân A2 (370ha), Mỹ Xuân B1 ((222ha), Phú Mỹ I (954ha), Cái Mép (660ha). Hàng loạt các nhà máy lớn đã và đang triển khai xây dựng như: nhà máy điện Phú Mỹ 2-1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, nhà máy thép VINA-KYOEI, nhà máy phân bón NPK, nhà máy gạch men Mỹ Đức, nhà máy sản xuất thùng phuy, các nhà máy xay lúa mì, bột mì, sản xuất hạt nhựa PVC, sản xuất nhựa đường, sản xuất ống thép, cốt thép, chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc...
Tân Thành cũng là địa bàn có nhiều mỏ vật liệu xây dựng nhất tỉnh, về đá có các mỏ ở núi Ông Câu, Núi Dinh, về đất sét có mỏ ở Mỹ Xuân, Châu Pha, về đất cát san lấp có các mỏ ở Suối Đá, Suối Ngọt.
Tân Thành còn có điều kiện phát triển một số cây con trong sản xuất nông nghiệp. Diện tích trồng rau khoảng 1.000ha, cây ăn quả khoảng 2.200ha nhiều nhất tỉnh, diện tích trồng điều khoảng 1.000ha (đứng thứ hai sau huyện Xuyên Mộc), diện tích trồng cà phê khoảng 2.050ha (đứng thứ ba sau huyện Châu Đức và Xuyên Mộc). Chăn nuôi khá phát triển, tổng đàn gia cầm đứng đầu tỉnh.